HUYỀN BÍ HỌC VÀ THIỀN HỌC

Huyền Bí Học và Thiền Học

 

Đề tài này rộng lớn và hết sức lý thú nhưng chúng ta không thể đi sâu vào tất cả chi tiết. Bài này chỉ đề cập những vấn đề nào được xem là thắc mắc của đa số, và chỉ nói sơ qua điều nào xét ra có vẻ chuyên biệt, bạn có thể tìm đọc thêm về chúng trong các sách vở liệt kê dưới bài.
Trước hết vài nét cần minh định.
– Thiền học /  Huyền học / khoa Thần bí (mysticism) và
– Huyền bí học (occultism)
là hai đường nhờ đó con người tìm chân lý. Phương thức học hỏi của mỗi đường khác nhau, người đi tìm khoa thần bí có tâm tính hướng nội, thích suy tư quán tưởng; còn người theo khoa huyền bí sẽ hướng ngoại, thắc mắc về sự sống xung quanh; anh muốn biết còn người bạn kia muốn thấy vì người bạn quan niệm rằng Thượng Đế và anh là hai thực thể khác xa, có một khoảng cách giữa nét cao cả nơi Đấng thiêng liêng (hoặc Chúa hoặc Phật) và sự hèn mọn của anh; anh hết sức ước ao được gặp ngài nên dùng tham thiền, lòng hiến dâng để thực hiện ao ước này. Huyền bí gia lại nghĩ nếu tìm hiểu các lực đã tạo ra hiện tượng thiên nhiên và luật chi phối chúng, hẳn anh sẽ nắm được bí mật của sự sống.
Người có khuynh hướng chiêm nghiệm, sùng tín thường sẽ nâng tâm thức lên phần cao cõi trung giới và tiếp xúc với các năng lực ở đây. Vào thời điểm hiện giờ đa số nhân loại phát triển tình cảm hơn lý trí, và những tư tưởng của họ mang nặng phần cảm xúc mà ít lý luận, bởi vậy chúng được tìm gặp ở cõi trung giới. Khi đông người cùng mơ mộng một hình ảnh tôn giáo, họ tuôn năng lực vào hình làm nó mạnh mẽ sống động. Người bạn trong lúc suy gẫm bắt được hình ảnh này, anh vui mừng hớn hở tự cho là đã gặp tận mặt đấng kính yêu, anh mê mãi nhìn ngắm đối tượng, chìm đắm trong hoan lạc tinh thần và không còn nghĩ đến việc trần thế. Cảm giác này y hệt sự ngất ngây, rung động vì cảm kích ta biết trong tình yêu đầu khi ngồi bên người thương.
Vì nếm được hạnh phúc ở cõi trung giới, người bạn có khuynh hướng trở lại nơi đó và kéo dài sự tiếp xúc, thờ ơ với cõi trần và do vậy sinh ra những việc đáng tiếc. Anh tập trung năng lực vào mục tiêu khi cho rằng chỉ có việc thiêng liêng, tinh thần là quan hệ ngoài ra chẳng còn gì đáng kể, trần thế với lo âu vật chất hàng ngày là chuyện nhỏ nhặt không đáng quan tâm. Lý luận như vậy, người bạn quên là tinh thần phải nhờ vật chất để biểu lộ, nếu biết phải đi xe một quãng đường dài và muốn mau tới đích, người khôn ngoan sẽ lau chùi làm thông máy, chăm sóc các bộ phận, lo dầu xăng và một cái xe được bảo trì cẩn thận sẽ không hư giữa đường làm trễ chuyến đi. Chúng ta không thể tới đích chỉ bằng cách suy tưởng đến nó mà phải dùng xe, và nhà thiền học cũng không thể gặp đấng tôn thờ bằng cách sống trong ảo tưởng nơi cõi trung giới, (bởi kinh nghiệm tâm linh anh có là từ việc tiếp xúc với hình tư tưởng, do chính anh cùng vô số người tạo ra cả ngàn năm nay, còn thì anh chưa cảm nhận phần thiêng liêng đúng nghĩa) và quên đi thực tế cùng trách nhiệm ở cõi trần.
Trách nhiệm làm chồng /vợ, cha/mẹ, con cái trong nhà nếu bị lơ là, luật không sai chạy của đời sống sẽ khiến anh phải trang trải cho xong trước khi tiến bước mới, tựa như cái xe vì thiếu chăm sóc sẽ làm anh ngưng giữa đường như đã nói ở trên. Xa hơn nữa, tin rằng những điều anh thấy là đúng mà không dùng lý trí để suy xét, nhà thiền học đi tới việc bác bỏ tôn giáo, quan niệm nào khác với của anh, hóa ra có tư tưởng hẹp hòi. Theo đuổi thiền học như vậy làm cái trí ngủ quên, nhu cầu của xác thân cũng chẳng được nhớ tới. Trong khi con người gồm ba thành phần xác, vía, trí, chỉ có tình cảm hoạt động mạnh còn khả năng suy luận và giá trị đời sống hàng ngày bị coi nhẹ. Bạn chúng ta thành người lãng đãng không thực tế, suốt ngày mơ mộng lờ đờ thần trí ở tận đâu đâu.
Những trở ngại của người bạn là chung cho tất cả mọi người, vì trước sau mỗi chúng ta sẽ phải đi trên con đường thiền để học kinh nghiệm, bởi vậy biết những khó khăn càng sớm càng tốt, càng rõ càng hay hầu tránh cho mình và giúp được người. Phần đi sâu vào những hậu quả không dễ chịu của lòng hiến dâng tiếp theo đây không ngoài mục đích ấy.
Xét câu chuyện theo khía cạnh năng lực, khởi đầu cuộc tiến hóa con người học làm chủ thân xác, năng lực sẽ tuôn vào trung tâm lực A (tại xương thiêng–sacral plexus), nên khoái lạc thể chất xếp hàng đầu, kèm với ý muốn sáng tạo theo nghĩa vật chất bằng cách truyền giống, sinh hình hài mới. Rồi khi tình cảm và lý trí linh hoạt, tâm thức nâng lên cõi trung giới, trung tâm lực B ở xương lưng (solar plexus – huyệt đan điền) đón nhận năng lực ở cõi này, nhưng đáng lẽ phải chạy từ B sang trung tâm lực C ở cổ họng  để sử dụng vào họạt động trí tuệ, chúng lại tuôn ngược vào trung tâm lực A. Lý do là con đường nối A với B ít trở ngại nhất, loài người sử dụng xác thân và tình cảm đã lâu nên lực tuôn chảy dễ dàng, còn từ B sang C nếu chưa quen làm việc bằng tư tưởng lực sẽ tuôn chảy khó khăn.
Khi nhà thiền học chú ý sống ở cõi trung giới và có ít hoạt động trí tuệ, trong lúc chiêm nghiệm anh mở cửa trung tâm lực B đón nhận số năng lực tình cảm gấp bội người thường, nhưng vì đường từ B sang C tắt nghẽn, năng lực không lên cao được sẽ quay xuống A kích thích tình dục. Phản ứng và hậu quả tổng quát như sau:

1– Phản ứng
a/– Tâm linh:
Bởi quan niệm đấng kính yêu ở bên ngoài thay vì trong tâm anh, người sùng tín hằng ước ao, khao khát được hội nhập cùng ngài. Anh dệt mộng quanh một hình nữ thiêng liêng và bạn gặp hình này phảng phất trong thơ Hàn Mặc Tử, trong tư tưởng thánh Francis of Assisi là bà chúa Nghèo. Nếu là một người nữ sùng tín, đấng tôn thờ sẽ khoác hình ảnh phái nam, và tài liệụ đông cũng như tây phương đều ghi lại kinh nghiệm thần bí của tu sĩ xưa và nay, như là sự mong muốn nồng nhiệt cuộc hôn nhân thiêng liêng để kết hợp đương sự mãi mãi với đấng tôn sùng.
Phản ứng này được cắt nghĩa dễ dàng khi ta nhớ đến khó khăn của người theo thiền học, trong việc chuyển lực sáng tạo vật chất qua sáng tạo tri tuệ, và cũng do anh quan niệm ngài với anh là hai thực thể riêng biệt cách xa nhau thay vì là một. Đáng lẽ phát triển chính mình để có tâm thức của ngài, anh chỉ dùng tình cảm để gặp hình ảnh ở cõi trung giới, quên rằng đấng thiêng liêng ở khắp mọi nơi, cõi trần cũng như niết bàn và ngay trong tâm anh.

b/– Thân xác:
Khi năng lực trội hơn lúc thường chảy vào A từ B, khả năng sinh dục bị kích thích mạnh và con người có hai phản ứng: hoặc cố gắng kềm chế tình dục bằng cách hãm mình khổ hạnh, coi sự kích thích là do ngọa quỉ satan cám dỗ, hoặc sẽ có hoạt động sinh lý nhiều hơn bình thường bằng lối này hay lối khác. Có khi lực tuôn quá mức khiến trung tâm lực B không hấp thụ được hết gây ra xáo trộn cho bộ tiêu hóa, bộ thần kinh. Một phần bệnh tật của người theo con đường hiến dâng truy nguyên từ đây, từ việc đặt nỗ lực vào cõi trung giới.
Những việc này đáng tiếc nhưng chúng ta được nhắc là mọi bài học có giá trị riêng của nó, và mỗi kinh nghiệm đều phải trả giá. Cõi trung giới là nơi con người học phân biệt cái chân với cái giả, và gặp khó khăn là đang trả giá cho bài học, một điều không chừa ai vì tất cả chúng ta trước sau đều phải qua đoạn đường sùng tín. Bây giờ, với một người theo con đường thiện nhưng cũng mở trí tuệ cao độ, anh sẽ có kinh nghiệm gì. Khi xuất thần anh ở trong trạng thái đại định, suy tư nơi cõi bồ đề hay cao hơn nữa; thay vì quan trọng hóa sai sự kết hợp giữa đấng thiêng liêng với người tục, anh hiểu bản chất nhị nguyên của con người gồm Chân nhân và phàm nhân; anh cũng hiểu phải có sự kết hợp hai thành phần này. Biểu tượng hôn nhân lại được dùng ở đây như trong bài thơ “My Love" của một cao tăng Tây tạng:

Dear love to whom my love goes out
If we could but be wed.

Lẽ tự nhiên minh triết của người giác ngộ không thể đo lường bằng tình cảm, và ý nghĩa thật của bài thơ sẽ mất nếu bị phân tích bằng cảm xúc suông.

2– Hậu quả:  Có 4 điểm chính

a/– Tin vào ảo tưởng
Hình tư tưởng người theo con đường hiến dâng gặp, thu hút trọn sự chú ý của anh; thay vì coi đó chỉ là biểu tượng cho điều mai sau anh trở thành, người bạn lại xem cái ảo ảnh tinh thần là chính đấng thiêng liêng và miệt mài sống với nó. Nhiều khi lòng sùng tín chỉ là cảm giác sôi nổi, đam mê cuồng nhiệt hơn là hướng thượng, và sự nồng nhiệt ấy có thể gây ra cái chết. Thường thường người bạn không có óc phán đoán vững chắc, và cũng không cụ thể hóa nơi cõi trần những điều anh mộng mơ. Nếu có hành động giúp người, động cơ thúc đẩy là để có phần thưởng ở cõi trời và được mãn nguyện về mặt tình cảm, hoặc anh làm vậy chỉ vì kinh sách đòi hỏi. Ở đây cần nhấn mạnh là tâm thức thiêng liêng khi phát triển chẳng làm chết ai, chỉ có ảo tưởng mới nguy hại. Cách chữa ở đây là hướng tâm trí người bạn vào đời sống hàng ngày với những công việc, bổn phận, trách nhiệm của mỗi người. Người bạn có thể bước từ lòng sùng đạo hết mức qua lòng khinh mạn tôn giáo, thành kẻ vô thần, biến đổi tâm lý này sẽ giúp anh có sự quân bình và định hướng lại cuộc đời.

b– Kiệt lực
Vì rút hết cả sinh lực để tụ vào cõi trung giới chiêm nghiệm hình ảnh thần thánh, thể xác và đời sống ở cõi trần của anh bị tổn hại. Năng lực gom lại không được biến sang lòng bác ái, và lòng thương yêu có sẵn nơi anh cũng không được biến thành tình yêu nhân loại; cả hai tuôn vào nơi cao nhất ở cõi trung giới nuôi dưỡng cái vía. Thể xác bị mất sinh lực nhiều dẫn tới rối loạn thần kinh, hôn mê (khác xa đại định) và nếu trầm trọng quá sẽ làm chết người.

c– Mê muội
Vừa quá tin vào ảo ảnh, vừa bị mất sinh lực, nhà thiền học có thể bị mê muội không còn kiểm soát được chính mình, anh mất đi khả năng cân nhắc, suy xét những việc hàng ngày như ăn mặc, chi tiêu, trách nhiệm gia đình, phép giao tế trong xã hội, những ràng buộc nơi con người vào cộng đồng. Anh trở nên bất mãn, chán ghét xã hội, và cái trí không còn độc lập mà hoàn toàn bị điều khiển bởi tình cảm. Những phán quan (Inquisitor) thời Trung cổ là thí dụ cho điều kiện tâm linh này: cuồng bạo tàn ác trong danh nghĩa tôn giáo. Nói chung tới giai đoạn này hết thuốc chữa, người bạn tự làm hại mình quá độ nên nhiều khi cái chết là môn thuốc hay, thời gian ngơi nghỉ trước khi tái sinh đem anh trở lại bình thường phần nào, nó khiến anh nhận thức việc phải biến mộng mơ đẹp đẽ sang hành động có ý nghĩa ở cõi trần, và anh cũng hiểu rằng các mộng mơ anh thấy là phản ảnh của Thiên cơ; giờ thay vì chú trọng vào cái tôi như trong mơ, anh đi ngược lại tập quên mình.

d– Dứt bỏ lầm
Đây là xáo trộn khó chữa nhất. Nếu người bạn đi quá mức cả ba chuyện:
– mơ ước nồng nhiệt đấng kính yêu
– tình dục bị kích thích
– tâm trí hẹp hòi không thấy gì khác ngoài ảo ảnh do anh tạo ra.
Anh có thể cắt đứt mọi liên hệ bên trong anh (giữa ba thể xác, vía, trí) và giữa anh với xã hội, với những trách nhiệm vướng bận. Anh không còn xúc động vì các vấn đề thường nhật của đời sống, các nhọc nhằn của người thường, mà sống hoàn toàn biệt lập trong thế giới riêng. Người bạn tỏ ý muốn vứt bỏ mọi trách nhiệm, lánh xa mọi bực dọc phiền muộn của đời hay những níu kéo từ người thân. Nhiều khi các trở ngại này bắt nguồn từ kiếp trước nay xuất hiện để anh giải quyết cho xong, và nếu cắt đứt mọi mối dây ràng buộc là anh tập dứt bỏ lầm.
Các khó khăn được trình bày không có ý nói con đường hiến dâng cần tránh, cũng như thống kê tai nạn lưu thông không ngụ ý xe cộ là vật quái ác phải loại trừ, và bạn không nên tập lái xe. Tai nạn xảy ra vì bạn không tuân luật hay vì thiếu cẩn trọng, và trở ngại tâm linh cũng chẳng khác gì. Thiền học là con đường chính đáng của giai đoạn phát triển  tình cảm, nhờ đó các thể vía định hướng và có ước vọng thay cho ham muốn thấp hèn; chỉ bởi cái trí không linh hoạt mới gây chuyện đáng tiếc. Sư hướng nội của linh hồn tương ứng với sự mơ mộng của tuổi thiếu niên, điều sẽ chấm dứt khi sang tuổi thanh niên. Nhận biết mục đích cuộc đời, làm việc có hệ thống thay cho ảo tưởng của thiếu niên và của con đường  thiền. Còn một điều quan hệ chót cần được nêu. Thượng đế luôn luôn mơ mộng hay nói khác đi, ngài hằng chìm đắm trong thiền. Nơi chúng ta con đường thiền dù không liên tục kiếp có kiếp không, là để phát triển đặc tánh mơ mộng của ngài. Trong khi mộng mơ của con người chỉ là ao ước, mộng mơ của Thượng đế là kế hoạch tinh vi và khi gặp phản ảnh của nó ở cõi trung giới, ta nhớ đó là cơ tiến hóa cần thành hình mà không phải là giấc mơ hoa đầy thú vị.
Bước sang con đường huyền bí, người theo khoa này tìm hiểu các lực ẩn tàng trong thiên nhiên và trong con người, cùng những luật cai quản sự sống; anh tìm hiểu bản chất, tiềm năng của chúng và cách sử dụng. Hiện thời khoa huyền bí phổ biến giới hạn vì:

● Tây phương không tạo điều kiện thích hợp cho việc luyện tâp bởi đất còn mới, dân tình chưa ổn định, Huyền bí học chỉ thực hành được ở môi trường đã chuẩn bị, nhiễm từ lực cao và ổn định nhờ vào hoạt động có từ lâu ở cõi trí. Đó là lý do tại sao Ấn độ sản xuất nhiều huyền bí gia. Huyền bí học có hơn chục ngàn năm tại đó, thấm nhuần đến cả thể chất dân chúng nên người Ấn tập dễ dàng, trong khi thân xác tây phương gặp khó khăn. Không khí cũng nhiễm rung động mạnh của bậc cao cả ngụ trong vùng, khi xê dịch đó đây các ngài liên tục ảnh hưởng bằng từ lực trên thể phách người Ấn. Tính chất lâu đời và sự rung động cao, tạo nên nhịp điệu thích hợp cho công việc huyền bí, cũng như khung cảnh vắng lặng rất lý tưởng cho việc hành lễ. Những điều kiện này không gặp ở phương tây nơi mà đời sống thay đổi liền liền.

● Hạ trí nẩy nở cao là một trở ngại khác. Hoạt động quá mức, nó sẽ ngăn chận cảm hứng tuôn xuống từ cõi trên, tựa như bức màn đen cản ánh sáng; đặc tính suy luận, phân tích của nó khiến óc tổng hợp của thượng trí bị lu mờ tạm thời. Hạ trí còn gây chia rẽ làm con người khó cộng tác với bạn chung quanh.

● Óc duy vât của tây phương coi thế giới tâm linh là điều huyền hoặc, dân chúng ưa chuộng những giá trị giả tạo, không còn tin vào tương lai cũng như không biết tới mục đích sự sống. Vì huyền bí học đặt căn bản trên thái độ ta có về cuộc đời, khi thái độ này nghiêng về thuyết duy vật, về sắc tướng và lòng ham muốn chuyện vô thường, con người không còn ý niệm về cách chân lý bí truyền. Việc dùng rượu, thịt nuôi thân xác làm nó không chịu đựng nổi những khó nhọc trong lúc tập.
Khoa huyền bí cho con người có quyền năng, nhưng không phải chỉ những quyền năng như thấy và nghe ở cõi vô hình, mới gọi là kết quả của huyền bí học. Nhắc lại định nghĩa ban đầu, huyền bí học nghiên cứu những lực và cách sử dụng chúng vậy thì mỗi chúng ta là huyền bí gia:
– khi suy nghĩ chính chắn và suy nghĩ việc tốt lành, vì hình tư tưởng nhờ thế có dạng rõ rệt, có nhịp rung động thanh cao, có lợi cho người suy nghĩ.
– khi tập thể dục, tập thiền, tập đức hạnh, chọn lựa thức ăn cho thân xác. Làm như vậy chúng ta áp dụng luật huyền bí thay những nguyên tử, làn rung động ít thanh nhẹ bằng những cái tốt hơn.
– khi tránh không tạo nhân xấu gây quả bất lợi cho kiếp tương lai. .v.v.

Nói như vậy bạn thấy huyền bí học không phải là chuyện cao xa chỉ có ở Hy Mã Lạp Sơn, mà nằm ngay trong tầm tay bạn, và khó khăn chính của khoa này là sự ham muốn quyền năng, hiểu biết dùng vào mục đích riêng thay vì để  giúp cơ tiến hóa. Ngoài ra việc khai mở quyền năng mà thân xác, tình cảm chưa tinh loc cũng gây tai hại có khi trong một kiếp, có khi di lụy nhiều kiếp về sau. Vì huyền bí học coi trọng sự hiểu biết, một số khó khăn cũng từ đây mà ra; khi người bạn tìm học quá nhiều, mức hiểu biết của anh sâu rộng và anh trở thành từ điển biết đi; nếu bạn nhớ lại các trung tâm lực nói ở trên, trong trường hợp này lực tuôn vào C dồi dào và không được dùng để sáng tạo về mặt trí tuệ, thần kinh sẽ bị xáo trộn. Đầu óc bận rộn ở cõi trí khiến anh không nhìn thấy được việc phải đem chiều đo cái trí xuống cho hợp chiều đo cõi trần.
Để hiểu rõ hơn, hãy tưởng tượng một cây nẩy mầm, tăng trưởng, kết hoa. Sự việc xảy ra chỉ vài tích tắc trong óc bạn nhưng ở cõi trần, không một cây nào sống như vậy. Người bạn có thể nghĩ ra một chương trình giúp đời tuyệt hảo, nhưng thiếu óc thực tế nên không thi hành được và bực dọc, nản chí là những điều thường gặp.
Hai con đường Thiền học và Huyền bí học, vì cho ta hai loại kinh nghiệm khác nhau của sự sống nên phải được kết hợp, chúng có thể được ví dụ như hai thân xác nam và nữ. Hiểu biết về đời sống thiếu nhìều nếu linh hồn luôn luôn chọn một loại thân xác khi tái sinh. Sự cấu tạo của thân xác nam không cho phép linh hồn kinh nghiệm những điều chỉ học qua thân xác nữ và ngược lại; cũng như có luật ghi rằng linh hồn không tái sinh làm người nam hay nữ liên tục 7 lần, chúng ta trong một hay nhiều kiếp sống đi theo con đường này rồi và sau đó chuyển sang con đường kia. Một bên là đầu óc, môt bên là quả tim; bậc hiền triết đại diện con đường hiểu biết và người thánh thiện là kết quả con đường hiến dâng. Khi hai con đường phối hợp. thiền gia mơ mộng nay có thêm tính thực thực tế, và huyền bí gia mở lòng bác ái của thánh nhân, vì chân hiểu biết là trí tuệ có lẫn tình thương trong đó.
Bây giờ, phối hợp bằng cách nào. Thiền gia cần có hiểu biết để thêm vào những nhận thức anh bắt được trong lúc tham thiền. Lòng khát khao gặp mặt đấng tôn thờ không còn nữa, vì anh biết ngài chẳng ở tít trên mây xanh. Mộng mơ, ước nguyện nhuộm màu sắc tôn giáo cũng mất dần khi anh mở trí. Nhà huyền bí tới phiên anh sẽ phải học kinh nghiệm thiền, vì anh cần khả năng trầm tư, tổng hợp ở những chặng đường phát triển mới.
Thiền gia hay đắc chí nói rằng cái trí là vật giết hại sự thật, rằng trí tuệ chẳng dẫn tới đâu và huyền bí gia quan trọng  hóa không đúng vai trò của hiểu biết. Nhà huyền bí lại có tật xem thường con đường hiến dâng, và coi những phương pháp thiền chẳng xứng với anh, nhưng minh triết là con đường mà cả hai sẽ cùng đi dù muốn dù không.
Mỗi chúng ta khi tái sinh đều có phần việc phải làm, và một trong hai phương pháp sẽ đặc biệt thích hợp cho công việc ấy, do vậy nhận biết khuynh hướng phải theo trong kiếp sống này có ích lợi đáng kể. Con đường huyền bí không cao mà cũng không thấp hơn thiền, và mặc cảm thua sút, hay tự cao tự đai là điều cần tránh; ganh tỵ, so bì cũng chẳng ích gì bởi hướng nội hay hướng ngoạị đều chưa hoàn toàn, và càng tiến lên người ta càng phải học kinh nghiệm của hai con đường, bởi không phải Thượng đế - đấng tiến hóa vượt mức hiểu biết của chúng ta và còn đang học hỏi - vừa là thiền gia suy niệm thiên cơ, vừa là huyền bí gia điều khiển các lực vũ trụ đầy sự minh triết đó sao ?

 

Sách tham khảo:

Esoteric Psychology  by Alice A Bailey
A Treatise on White Magic by Alice A Bailey

Xem Các Bài Liên Quan